MENU
Cơ sở điêu khắc trực tiếp và nhận làm theo yêu cầu
Việt Nam English
hotline 0975 751 489
timeservingLàm việc 24/24 tất cả các ngày.
  • Tượng thích ca bằng ngọc xanh
  • Tượng Phật thích ca
  • Tượng Phật Di Lặc
  • TƯỢNG CHÚ TIỂU ĐỦ KÍCH CỠ
  • Tượng Chú Tiểu
  • Tuợng Thích Ca Nằm
  • Tượng Phước Lộc Thọ
Danh mục sản phẩm
Phong thủy

Những dấu tích lịch sử Chăm Pa cổ tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Ngũ  Hành Sơn hàng triệu năm về trước là những hòn đảo nằm bơ vơ trên biển Đông. Trong quá  trình vận hành, bồi đắp của thiên nhiên, biển thì càng ngày càng lùi về phía mặt trời mọc, sông thì chạy dài về dải Trường Sơn để trở thành 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn.
 
Dấu tích con người ở Ngũ Hành Sơn có từ  đầu thế kỷ XIV. Nơi đây cư dân Chăm pa xưa thờ cúng thần linh của mình. Trong nhiều thế kỷ còn lưu lại đến ngày nay qua hình thức tín ngưỡng thờ Linga – Yoni. Những tượng thần được chạm trổ công phu trên các bộ đá ở động Tàng Chơn, động Huyền Không.

1. Những vị thần tại động Tàng Chơn:

Động Tàng Chơn có hang thờ thần của người Chăm, nơi đây còn lưu trữ nhiều hiện vật bằng đá có liên quan đến đời sống tôn giáo tín ngưỡng của họ.
 
Người Chăm chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ. Tôn giáo chính của họ là Ấn Độ giáo, thần Indra là “thần của các vị thần”. Bên cạnh thần Indra, người ta còn thờ ba vị thần của Ấn Độ giáo là Brahma, Vishnu và Silva. Tuy nhiên khi Ấn Độ giáo du nhập đến vương quốc Chăm pa, người dân lại đặt thần Silva lên trên hết, đồng thời thần Silva cũng được hòa với tín ngưỡng cổ truyền của họ và tôn thần Silva là “chúa tể của muôn loài”, “là cội rễ của nước Chăm pa”. Trong 128 bia ký quan trọng của Chăm pa mà hiện nay được biết thì có đến 92 bia thuộc tín ngưỡng Silva giáo, các quốc vương của nước Chăm pa xưa thường tự đồng nhất mình với thần Silva. Thậm chí cả nữ thần Po Inư Nagar cũng được thờ như một Sakti (âm cực) của thần Silva. Như vậy thần Silva đã ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Chăm pa và chi phối toàn bộ đời sống tâm linh của họ.
 
Theo thần thoại nguyên thủy, hình thức khởi đầu của thần Silva là hình Linga (dương vật). Hình tượng thần Silva được tôn thờ với nhiều hình thức khác nhau: dưới dạng nhận hóa (hình người) và dưới dạng biểu tượng Linga. Người Chăm pa quan niệm thờ Linga (bộ phận sinh dục tượng trưng cho sức mạnh của phái nam, biểu tượng của khả năng tái tạo) tượng trưng cho thần Silva (nam tính) hiện thân qua nữ thần Uroja, còn được gọi là thần núi, biểu hiện đặc tính dương. Hình tượng Yoni (cơ quan sinh sản của phái nữ, biểu tượng của khả năng dưỡng dục) tượng trưng cho nữ thần Bhagavati (nữ tính) hiện thân qua nữ thần Visitrasaga là thần biển, biểu tượng đặc tính âm.
 
Trong vạn vật, âm và dương là 2 mặt đối lập, nhưng khi hai thuộc tính này tương giao với nhau sẽ tạo thành vạn vật, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở. Thần Silva được mệnh danh là thần hủy diệt, là phá hủy cái cũ để sáng tạo cái mới. Do vậy, người ta coi thần Silva như là thần Sáng tạo, có chức năng coi đầu sinh và đầu tử.
 

 
Tại  động Tàng Chơn, Linga – Yoni bằng đá được thờ  rất trang trọng trong hang tối. Linga có hai phần, phân trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng là khối trụ lục giác nhưng lớn và dài hơn. Còn Yoni là khối tròn, xung quanh trang trí hình vú  phụ nữ căng tròn đầy sức sống, tượng trưng cho sự trù phú của vương quốc.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Linga – Yoni tại Ngũ  Hành Sơn là một nét văn hóa độc đáo của cư dân Chăm pa xưa. Nơi đây thần Silva được tôn thờ  là đấng sáng tạo và hủy diệt. Tại đây, hai bên lối vào là hai hộ pháp của người Chăm.
 
Ngoài ra, trước chùa Linh Ứng có một bệ đá được trang trí cả 3 mặt. Mặt chính trang trí hình thần Indra (thần Sấm sét, thần chiến tranh hay thần hộ  mệnh, gọi chung là Dikapala) trong tư thế ngồi cởi trần, mặc dhoti, đầu đội mũ, chân trái xếp bằng, chân phải co lên trước ngực, tay trái đặt lên đầu gối chân trái, khủy tay phải đặt lên đầu gối chân phải, đang ngồi trên mình voi, xung quanh thần có những đám mây bao phủ như hình ngọn lửa, hai bên thần có hai vũ nữ Apsara, cũng trong tư thế múa. Bên dưới mỗi vũ nữ là một con sư tử đang ở tư thế ngồi.
 
Ở mặt trước của bệ đá là hai con sư tử đá ngồi ở tư thế đối nhau nhưng mặt lại quay ngược về sau. Còn hai con ở hai mặt bên thì mặt hướng về phía trước. Sư tử, được người Chăm gọi là Rimon, là hình tượng phổ biến trong điêu khắc Chăm pa, đây là con vật không có ở vương quốc nhưng Chăm pa nhưng hình ảnh của nó được các vua chúa Chăm pa sử dụng như biểu tượng cho quý tộc, cho sức mạnh vì theo truyền thuyết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu và đã giết được quỷ Hiraya Kapipu. Nhìn chung, bệ thờ này được trang trí độc đáo và là bệ thờ đẹp nhất được phát hiện ở Ngũ hành Sơn cho đến nay.
 

2. Di vật cổ Chăm pa và các truyền thuyết tại Huyền Không động
 
Động Huyền Không lưu lại vết tích và di tích của cộng đồng cư dân Chăm pa xưa. Thể hiện qua hình thức thờ nữ thần Po Inư Nagar. Tượng của nữ thần được trang trí trong ngôi đền nhỏ, màu sắc rực rỡ. Hai tai của bà to và trĩu nặng xuống, tóc dựng đứng, thế ngồi theo phong cách Ấn Độ. Đó là “vị thần hảo tâm có nhiều cảm ứng hiển hiện mà những sự phán xét có lẽ được chấp nhận nhiều hơn, và nhất là cự tuyệt những lời thề giả dối, vị lương thần có nhiều biểu hiện quyền năng. Bà ban ân huệ và hiển linh. Dân chúng thường gọi bà là “Bà chúa Ngọc”.
 
Truyền thuyết của người Chăm pa cho rằng, nữ thần Po Inư Nagar là do bọt biển và áng mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran. Sấm trời và gió lương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng trần. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà. Khi bà bước lên bờ thì cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Rồi nữ thần dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp…
 
Nơi hậu cung của bà có đến 97 ông chồng nhưng chỉ ông Po Yan Amo là có uy quyền hơn cả. Bà sinh được 38 người con gái, những người con sau đó đều thành thần. Khi vùng đất của Chăm thuộc về Đại Việt, thì nữ thần cũng trở thành vị thần của người Việt với tên gọi Thiên Y A Na hay bà chúa Ngọc…đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc.
 
Bệ  đá trong động Huyền Không có hình chữ L, cao 70 cm, dài 80 cm. Bệ đá phía trên trang trí chim thần, đây là con vật biểu trưng của thần Vishnu, tượng trưng cho sự bình an. Bên dưới là hình một vị thần đang ở tư thế một chân co, một chân duỗi, hai tay nâng một vật đưa về phía trước như đang dâng cúng cho ai đó. Phía trước là vị thần đầu sư tử, mình người đang đứng quay lại  biểu tượng và vương quyền. Đây là một trong những tác phẩm độc đáo của cư dân Chăm pa còn lưu lại ở Ngũ Hành Sơn.
Một số tượng thần Chămpa bằng đá sa thạch còn lại các hang động Ngũ Hành Sơn là dấu tích góp phần minh chứng sự có mặt của người Chăm tại Ngũ Hành Sơn từ rất sớm (thế kỷ XIV, XV). Các họa tiết, hoa văn được trình bày trên mỗi tác phẩm điêu khắc về các vị thần, chứng tỏ văn hóa Chămpa đã có những bước phát triển rực rỡ, đời sống tâm linh tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng và đa dạng. Ngày nay, những tinh hoa văn hóa Chămpa là một phần văn hóa quí giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
 
Đến tham quan Ngũ Hành Sơn, không những được tham gia trẩy hội, đi chùa, lễ Phật mà còn cảm nhận ở đấy những nét đẹp thần thoại từ các pho tượng còn lại của dân tộc Chămpa.
1
0
Copyright © 2016 Cơ Sở Điêu Khắc Vĩ Loan. All Rights Reserved.
Gọi cho chúng tôi